Việt Nam đang đối mặt với áp lực của phát triển ngày càng gia tăng đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển.

Tài nguyên thiên nhiên có phải là một trong những nguồn vốn tự nhiên hay không?

Theo Điều 147 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên như sau:

Theo đó, các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn vốn tự nhiên, cụ thể các nguồn tài nguyên thiên nhiên gồm: đất, nước, rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

Việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Vốn tự nhiên được kiểm kê, đánh giá phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo quy định của pháp luật;

- Nhà nước ưu tiên đầu tư duy trì, phát triển vốn tự nhiên có khả năng tái tạo, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên;

- Nguồn thu từ vốn tự nhiên được ưu tiên tái đầu tư duy trì, phát triển vốn tự nhiên.

Các chính sách của nhà nước nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là gì?

Tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường như sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

- Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

- Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.

- Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3260 km và sở hữu hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ, có khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ; là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch biển đảo. Nhiều địa điểm của Việt Nam được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, với Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam được đánh giá là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới.

Các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước.

Với những tiềm năng và lợi thế trên, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 sẽ phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đồng thời, du lịch biển đảo đã được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Với định hướng trong thời gian tới, du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. "Ngành du lịch các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát triển du lịch đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển” và “phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển”, trong đó du lịch và dịch vụ biển được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển. Cụ thể như việc phát huy lợi thế, tiềm năng và phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. "Du lịch biển đảo Việt Nam hiện vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc; hạ tầng còn nhiều lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch" - ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch), bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch biển đảo chưa phát triển như kỳ vọng. Trong đó, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển còn thấp; thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; tính mùa vụ còn rất cao, nhất là ở miền Bắc. Các sản phẩm du lịch cao cấp chưa có nhiều. Các nhà đầu tư còn chú trọng thu lợi nhuận ngắn hạn, chưa đầu tư dài hạn do sức ép về tài chính và muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh. Cùng với đó là hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch biển đảo còn mang tính tự phát, thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch…

Để phát triển du lịch biển đảo bền vững, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất cần nhanh chóng đầu tư cho du lịch biển. Tuy nhiên, phải tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Mặt khác cần chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, phù hợp với sức phát triển của thị trường, dành cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai. Trong quá trình định hướng đầu tư cần dành ngân sách cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên. Cộng đồng dân cư ven biển cũng phải được tham gia làm du lịch và có quyền lợi thiết thực để chung tay bảo tồn văn hóa bản địa.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, nếu không, chắc chắn sẽ trả giá. Cũng theo ông Thủy, mỗi địa phương cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng, tạo điểm nhấn lâu dài. “Quảng Ninh, ngoài những loại hình đang có và thịnh hành là du lịch biển nghỉ dưỡng, tắm biển còn có cảnh quan, không gian trên bờ phụ trợ… Chính bởi vậy, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có những điểm nhấn riêng trong phát triển du lịch biển” - ông Thủy chia sẻ.

Để sớm tận dụng được tiềm năng và đưa du lịch biển đảo Việt Nam bứt phá, TS. Nguyễn Mạnh Hùng- Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển... Cùng với đó, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngành du lịch cũng cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế, hướng tới phát triển các sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Đối với các đảo lớn, nhỏ cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế.

Đối với các địa phương, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh. “Trước mắt tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, một số địa phương nghiên cứu đầu tư cầu cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đảm bảo theo quy hoạch tổng thể; đô thị hóa vùng ven biển và hải đảo; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển gắn phát triển du lịch biển, ưu tiên lĩnh vực hải dương học” - TS. Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.