Câu hỏi.Cả hai vợ chồng mình đều là du học sinh, hiện đang sinh sống và học tập ở Seoul. Con gái của bọn mình vào đầu tháng 3 tới sẽ vào học lớp 1 ở một trường tiểu học gần nhà. Mặc dù cả vợ chồng mình đều học bằng tiếng Anh, không thạo tiếng Hàn nhưng cháu sống cùng vợ chồng mình ở Hàn Quốc đã 3 năm và có đi học mẫu giáo, nên vợ chồng mình không lo ngại gì về khả năng tiếp thu bài học bằng tiếng Hàn ở trường của cháu. Điều mà vợ chồng mình lo lắng nhất là các cháu mới vào học lớp 1 thường chỉ học đến 1 giờ chiều. Vợ chồng mình đều bận học nên không thể ở nhà trông cháu sau 1 giờ chiều được. Mình có hỏi các lớp học thêm thì cũng không thể lấp đầy khoảng thời gian cho tới 5,6 giờ chiều như hồi cháu còn đi học mẫu giáo. Để cháu tự về nhà và chơi một mình thì mình không yên tâm. Mình không biết các gia đình Hàn Quốc mà cả hai vợ chồng đều đi làm hoặc bận như bọn mình, không có ông bà trông con giúp thì giải quyết như thế nào? Liệu có nơi nào nhận trông các trường hợp như của con mình không? Xin chương trình chỉ dẫn giúp.

Giải đáp thông tin về Trường Hannuri dành cho con em gia đình đa văn hóa

Câu hỏi.Gia đình mình hiện đang sinh sống ở Incheon và chồng mình là người Hàn Quốc nhưng anh ấy bận rộn tối ngày. Bọn mình đã có một cháu trai, hiện đang học lớp 2, mọi việc chăm sóc con cái đều do mình đảm nhiệm. Tiếng Hàn của mình thì không được tốt lắm, mà vì muốn con cái biết được tiếng Việt nên mình và cháu thường giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Cháu hiện có thể nói được cả tiếng Việt và tiếng Hàn nhưng thú thực là tiếng Hàn thì không giỏi như người Hàn mà tiếng Việt thì cũng không giỏi như người Việt. Ngữ điệu của cả 2 ngôn ngữ này đều không chuẩn, đôi khi bị lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ, nhiều từ khó thì cháu cũng không biết. Dường như cháu bị căng thẳng nên sống khá khép kín, ngại giao tiếp với bạn bè. Mình có theo dõi chuyên mục Hỏi đáp cuối tuần của Hòa nhịp trái tim cùng KBS thì được biết có trường Trung học phổ thông dành riêng cho con em gia đình đa văn hóa mà không thấy có trường Tiểu học nào. Mình rất muốn cho cháu theo học các trường kiểu như vậy để cháu tự tin hơn và hoà nhập tốt hơn với cuộc sống. Mong chương trình giới thiệu giúp.

Trả lời.Rất vui được làm quen với bạn và cũng cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi của mình tới chương trình. Trước tiên, xin đính chính với bạn là không phải không có trường Tiểu học nào dành cho con em các gia đình đa văn hóa. Có một trường Tiểu học mang tên “Jiguchon Hakkyo”(tạm dịch là Trường toàn cầu) dạy từ lớp 1 đến lớp 6 dành cho trẻ em có bố hoặc mẹ là người Hàn Quốc đã bắt đầu đi vào hoạt động từ 3/2012 ở quận Guro, Seoul, gần được tròn 1 năm nay rồi đấy bạn ạ. Đúng thế, đây là trường học đầu tiên dành cho trẻ em con lai ở Hàn Quốc. Tuy là trường tư thục nhưng học sinh được miễn học phí, lệ phí đăng ký và các học sinh tốt nghiệp trường này sẽ được xác nhận kiến thức khi đăng ký học các trường khác. Nhưng bạn đang sống ở Incheon thì việc gửi con học ở đây gần như không khả thi. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn một trường học khác ở ngay thành phố Incheon, nơi bạn đang sinh sống, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động chính thức từ tháng 3 này. Đó chính là ngôi trường mang tên Hannuri dành cho con em gia đình đa văn hóa từ lớp 1 đến hết lớp 12. Đây chính là điểm khác biệt đầu tiên của Hannuri với các trường có các chức năng tương tự được thành lập trước đó. Vì Trường toàn cầu Jiguchon dành cho các em học sinh tiểu học, Trường Korea Polytechnics Dasom và Trường Seoul Dasom là trường Phổ thông trung học công lập dự khuyết lên cao đẳng hay đại học. Hannuri sẽ là ngôi trường giúp các em thích ứng tốt nhất với việc học tập và sinh hoạt ở Hàn Quốc. Trường khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 4/3/2013 tại phường Nonhyun, quận Namdong, thành phố Incheon. Chương trình đào tạo của trường sẽ giảm 50% so với chương trình đào tạo chính quy, 50% còn lại là quá trình đào tạo đặc thù như tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc, tăng cường học tập cơ bản, nhịp sống sinh hoạt và nuôi dưỡng nhân cách. Bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương như các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông khác. Bộ Giáo dục, khoa học và công nghệ Hàn Quốc, phối hợp với Sở giáo dục thành phố Incheon điều hành trường học, đã tuyển dụng một đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đã chiêu sinh cho năm học mới đến hết ngày 31/1/2013 vừa qua. Trường được đầu tư với mức kinh phí lớn để xây dựng khu ký túc xá, phục vụ chủ yếu cho các em học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Việc tuyển thêm 2 lớp học chuyên về đào tạo ngôn ngữ tiếng Hàn cho các em học sinh còn chưa thông thạo tiếng Hàn cũng là điểm khác biệt đáng kể để phân biệt với các trường học khác. Là trường công lập, Hannuri nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ chính phủ, tuyển sinh trên cả nước. Trường thông báo tuyển sinh mỗi cấp học, 1 lớp 15 em, bao gồm cả 2 lớp học tiếng Hàn với tổng số là 210 học sinh. Tất cả các học sinh theo học ở đây đều được hỗ trợ mọi chi phí từ học phí cho tới ăn trưa… Những giấy tờ cần chuẩn bị để xin nhập học vào trường Hannuri bao gồm: đơn xin học theo mẫu có dán ảnh, toàn bộ giấy tờ liên quan đến các năm học trước đó như bảng điểm, giấy chứng nhận đang là học sinh hoặc đã tốt nghiệp lớp nào, cấp nào, giấy chứng nhận quan hệ gia đình (chứng minh thư người nước ngoài nếu chưa nhập quốc tịch). Nếu học sinh nào trước đó học ở nước ngoài thì phải dịch công chứng toàn bộ các giấy tờ cần thiết này sang tiếng Hàn. Số học sinh trúng tuyển cũng đã được thông báo vào ngày 12/2/2013 vừa qua. Vì vậy, hiện đã quá thời gian tuyển sinh và công bố người trúng tuyển cho năm học 2013 rồi nên bạn không thể đăng ký cho con mình vào học năm nay được. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể đăng ký cho con mình học vào năm sau. Bạn có thể liên lạc với trường để biết thêm chi tiết và không bị qúa hạn đăng ký bạn nhé. Hiện trường chưa có trang web riêng nên mọi thông tin liên quan cũng như mẫu đơn xin học đều được đăng tải trên trang web của Trung tâm hỗ trợ giáo dục đa văn hóa của thành phố Incheon tại địa chỉ www.culture.ice.go.kr. Bạn hãy vào đây để tham khảo thêm nhé. Chúc bạn và gia đình luôn có một cuộc sống thoải mái ở đất nước Hàn Quốc.

Văn hóa Đại Hàn Dân Quốc, văn hóa Nam Triều Tiên hay gọi đơn giản là văn hóa Hàn Quốc là một nền văn hóa đương đại được hình thành và phát triển từ nền văn hóa truyền thống lâu đời của bán đảo Triều Tiên. Hầu hết các học giả đều đồng ý với kết luận rằng, nền văn hóa Cổ Triều Tiên trong hàng nghìn năm phong kiến vừa sáng tạo ra những nét riêng biệt, vừa chịu sự ảnh hưởng sâu sắc nhưng đồng thời cũng là nơi gặp gỡ, tổng hòa và giao thoa giữa Trung Quốc, Nga và Nhật Bản - ba nền văn minh lớn, tiêu biểu nhất của khu vực Đông Bắc Á thời bấy giờ.

Sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 cùng sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên, đất nước và người dân Hàn Quốc đã tách ra theo con đường phát triển văn hóa riêng, lấy văn hóa Triều Tiên truyền thống kết hợp với phương Tây hiện đại, dựa vào những kinh nghiệm của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản để làm kiểu mẫu, khác biệt hoàn toàn so với nền văn hóa ở phía Bắc bán đảo vốn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng của hình mẫu Trung Quốc, Liên Xô cùng văn hóa Xã hội chủ nghĩa. Kể từ sau sự kiện Kỳ tích sông Hán đưa Hàn Quốc tiến vào hàng ngũ các nước tiên tiến, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa và phương Tây hóa trong xã hội đã diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là tại các khu vực đô thị như thủ đô Seoul, đem đến sự thay đổi gần như lột xác trong phong cách sống, cách suy nghĩ, sinh hoạt cũng như định hướng giáo dục của người Hàn. Sự chuyển mình về kinh tế cũng như lối sống đã kéo theo sự tập trung dân số tại các đô thị lớn (đồng thời cũng xảy ra sự suy giảm ở vùng nông thôn), cùng với việc các hộ gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống đã phân rã thành hình mẫu gia đình hạt nhân như hiện nay. Ngày nay, nhiều yếu tố của văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là văn hóa đại chúng, đã và đang lan tỏa ra khắp toàn cầu cũng như dần trở thành một trong những thế lực văn hóa nổi bật, có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.[1][2][3][4][5]

Văn hóa Hàn Quốc (Hangul: Hallyu - 한류) hiện đại vốn đã thân thiện, gần gũi với giới trẻ, cộng thêm với sự trợ giúp đắc lực từ phía chính phủ cũng như một số lượng đặc biệt lớn các fan hâm mộ của các nhóm nhạc K-pop, đã và đang được phổ biến mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á, hay còn được biết đến với tên gọi Làn sóng Hàn Lưu. Văn hóa Hàn Quốc cũng là một bộ phận quan trọng hàng đầu, mang tính biểu tượng và đồng thời không thể thay thế trong việc cấu tạo nên các chuyên ngành học thuật như Hàn Quốc học và Đông Á học.